Có nên mua vào khi vàng trong nước cao hơn thế giới gần 9 triệu đồng? 10:53 16/10/2021

Có nên mua vào khi vàng trong nước cao hơn thế giới gần 9 triệu đồng?

Chuyên gia khuyến cáo đây không phải là thời điểm thích hợp để người dân chọn vàng là kênh đầu tư với số lượng lớn vì sẽ phải trả giá quá đắt để sở hữu cùng một khối lượng vàng so với giá thế giới.

Giao dịch vàng tại Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: PV/Vietnam+

Trong tuần, giá vàng trong nước có lúc cao hơn thế giới tới gần 9,6 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay. Do khác biệt giữa thị trường trong nước và thế giới, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư không nên mua vàng thời điểm này vì sẽ khó sinh lời, thậm chí còn mang lại nhiều rủi ro.

Không giao dịch vẫn”găm” giá cao

Trong một số phiên gần đây, giá vàng thế giới tăng mạnh kéo theo giá vàng trong nước cũng tăng theo. So với cùng thời điểm của tuần trước, giá vàng thế giới đã tăng tới 35 USD/ounce và hiện đang giao dịch quanh mức 1.787 USD/ounce, còn giá vàng trong nước cũng tăng từ 400.000-600.000 đồng mỗi lượng và hiện đang giao dịch quanh mức 57,80 triệu đồng/lượng.

Các chuyên gia cho biết dù giá vàng trong nước vẫn đang biến động theo nhưng lại cao hơn thế giới tới từ 8,59-9,58 triệu đồng mỗi lượng. Điển hình trong ngày 10-12/10, giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá Vietcombank tương đương 48,37-48,52 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC tới 9,58 triệu đồng mỗi lượng.

Mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới bị kéo rộng, song khảo sát tại các cửa hàng vàng những ngày gần đây cho thấy không có hiện tượng mua bán đầu cơ tích trữ, chỉ có khách lẻ đến mua những món nhỏ hoặc vàng trang sức.

Nguyễn Thị Mai (quận Hai Bà Trưng) cho biết những năm trước, thỉnh thoảng bà vẫn mua vàng để cất đi nhưng một năm trở lại đây bà đã không mua mà gửi tiết kiệm vì giá vàng trong nước cao hơn thế giới rất nhiều so với thông thường.

Theo các chuyên gia, thực tế giá vàng trong nước lâu nay vẫn cao hơn so với thế giới nhưng mức chênh này thường không quá 10% nếu quy đổi theo tỷ giá ngân hàng. Như thời điểm cuối tháng 7/2020, khi giá thế giới biến động mạnh, mỗi lượng SJC cũng chỉ cao hơn giá quốc tế 2-2,5 triệu đồng/lượng. Đến tháng 8/2020, mức vênh giữa hai thị trường là 4-4,5 triệu đồng một lượng.

Tuy nhiên, trong vòng một năm trở lại đây, giá vàng trong nước có một số thời điểm cao hơn 15%-18% so với thế giới, tức là từ 8,5-9,5 triệu/lượng. Đây là mức chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), không ai hưởng lợi khi vàng SJC đứng ở mức cao hơn thế giới lên gần sát 9 triệu đồng/lượng. Bởi trong bối cảnh giãn cách hiện nay, hệ thống mua bán vàng trên cả nước gần như tê liệt.

“Các hoạt động mua bán không diễn ra thì cũng không có ai chốt lời. Giới kinh doanh vàng ‘neo’ ở mức cao để giữ giá là chính, chứ không phản ánh đúng những diễn biến trên thị trường là khi lực mua cao hơn lực bán mới đẩy chênh lệch giá trong và ngoài nước tăng cao. Không những vàng miếng mà cả thị trường nữ trang cũng vậy, không có giao dịch nhiều,” ông Trọng nói.

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. (Đơn vị: Triệu đồng)

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định mức chênh lệch “kỷ lục” của giá vàng hiện nay không ảnh hưởng đến nền kinh tế như những năm trước. “Trước đây, khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới gia tăng đồng nghĩa với lực mua vàng trên thị trường tăng cao, nhiều người dân rút tiết kiệm mua vàng, đồng thời giá USD cũng tăng mạnh. Còn hiện nay hoàn toàn khác, nhu cầu mua vàng của người dân không có hoặc có ở mức thấp, không tác động đến nguồn vốn huy động của các ngân hàng, giá USD lại có xu hướng giảm những ngày gần đây,” ông Hiếu nhấn mạnh.

Vì sao vàng trong nước đắt hơn thế giới?

Lý giải thực trạng trên, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng (VGTA) chia sẻ vàng là hàng hóa doanh nghiệp trong nước không tự sản xuất được nên phải nhập khẩu. Bởi vậy, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới do chịu thêm các chi phí khác như phí vận tải, bảo hiểm…

Ông Khánh cho biết thêm từ năm 2012 đến nay, theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước không cấm nhập vàng nguyên liệu nhưng Ngân hàng Nhà nước quản lý, khi nào cần thiết mới nhập để chế tác nữ trang. Việc này nhằm kiểm soát nhập khẩu vàng, tránh tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế.

Theo nhận định của các chuyên gia, một phần nguyên liệu chế tác vàng nữ trang trong nước nhiều năm nay có thể được nhập lậu qua đường biên giới. Nhưng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong hơn một năm trở lại đây, các đường biên giới được kiểm soát chặt khiến việc nhập lậu trở nên khó khăn, nguồn vàng nhập lậu vì thế có khả năng giảm.

Ngoài việc không được nhập khẩu, hay bị siết vàng lậu, chênh lệch tỷ giá… hiện tượng người dân hạn chế bán vàng ra cũng phần nào khiến nguồn cung trên thị trường thiếu hụt. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều người có thể sẽ chọn vàng làm kênh trú ẩn an toàn. Theo đó, lượng người đang cất giữ và chưa muốn bán vàng ra cũng không hề nhỏ.

Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có 4 nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới.

Thứ nhất, thị trường vàng Việt Nam và thế giới không có liên thông với nhau nên phần lớn các thời điểm giá vàng trong nước đều cao hơn. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất được nhập khẩu vàng. Thứ 3, có hiện tượng đầu cơ, một số doanh nghiệp đã đẩy giá vàng lên khi họ thấy nguồn cung không đủ. Thứ 4, tại thời điểm này, một số kênh đầu tư không còn hấp dẫn như lãi suất giảm, bất động sản chưa hoàn toàn hồi phục, tỷ giá ổn định nên không phải là kênh đầu tư hấp dẫn, chứng khoán tăng nóng nhưng lại khiến nhiều người e ngại.

“Vì vậy, hiểu tâm lý đó nên các doanh nghiệp giữ giá vàng ở mức cao, đẩy rủi ro sang người mua, không những giá chênh với thế giới cao mà chênh lệch giữa mua và bán cũng ở mức cao và người bị thiệt hại cuối cùng vẫn là khách hàng,” ông Hiếu phân tích.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo đây không phải thời điểm thích hợp để người dân chọn vàng là kênh đầu tư để cất giữ với số lượng lớn. Nguyên nhân do người dân đang phải trả giá quá đắt để sở hữu cùng một khối lượng vàng so với giá thế giới.

“Người dân cần ý thức được thời điểm này nếu mua vào sẽ rất rủi ro. Vì vậy, nếu người dân có nhu cầu mua vàng thì chỉ nên mua những món nhỏ chứ không nên đầu tư và cũng không nên bỏ trứng vào một giỏ, đầu tư vào các kênh khác nhau,” ông Hiếu đưa ra khuyến cáo.

Mặt khác, nếu nhà đầu tư mua vào thời điểm chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng cao, lên đến 700.000 đồng/lượng cũng có thể phải nhận rủi ro lớn.

Về phía cơ quan quản lý, ông Hiếu cho rằng Ngân hàng Nhà nước cũng không nên can thiệp vào thị trường vàng, bởi việc nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền ra mua vàng ở thời điểm này thì đương nhiên họ đã chấp nhận rủi ro. “Hãy để cung-cầu trên thị trường điều tiết giá vàng, không vì người dân chịu thiệt hại mà tìm cách chỉ định hay có biện pháp hành chính điều chỉnh giá vàng. Làm như vậy, sẽ tạo sự bất ổn cho thị trường vàng,” ông Hiếu nói.

Cũng có ý kiến cho rằng, với hiện tượng chênh lệch giá vàng tăng quá cao như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cần quan sát, theo dõi xem có hiện tượng đầu cơ, làm giá hay có nhập lậu vàng hay không để có thể can thiệp kịp thời.

Theo Vietstock

Tin Mới

Các Tin Khác

Giá đô la chợ đen

Mua vào Bán ra

USD chợ đen

25,450 20 25,550 20

Giá đô hôm nay

Giá vàng hôm nay

Mua vào Bán ra
Vàng SJC 79,700300 81,700300
Vàng 9999 67,500250 68,700250

Tỷ giá hôm nay

Ngoại Tệ Mua vào Bán Ra

  USD

24,54515 24,89515

  AUD

15,786-36 16,458-38

  CAD

17,796-21 18,553-22

  JPY

1610 1700

  EUR

26,187-46 27,624-48

  CHF

27,133-138 28,288-144

  GBP

30,645-43 31,949-45

  CNY

3,346-17 3,489-18