Quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trang sức – Doanh nghiệp lúng túng 08:45 26/09/2016

Quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trang sức – Doanh nghiệp lúng túng

Sau 4 năm kể từ khi triển khai Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trang sức, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng và trang sức cho biết, họ gặp nhiều lúng túng khi thực hiện các quy định liên quan. Mới đây, khi đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra đồng loạt các DN kinh doanh vàng trên địa bàn TP, không ít DN đã bị xử phạt, trong đó đa số sai phạm về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng và tem nhãn vàng.

Quầy hàng nữ trang của PNJ

Không sản xuất cũng phải chịu trách nhiệm

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn đá quý TPHCM (SJA) cho biết, Nghị định 24/2012 chính thức có hiệu lực từ tháng 5-2012. Bộ Khoa học Công nghệ (KH-CN) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn liên quan như Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, Thông tư 16/2012/TT-NHNN. Thời gian qua, SJA cũng tổ chức nhiều hội thảo hướng dẫn DN, nhưng đến nay DN vẫn chưa nắm được hết các quy định để thực hiện.

Tại Hội nghị “Giải đáp thắc mắc trong thực hiện các thông tư hướng dẫn Nghị định 24/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trang sức” do SJA tổ chức vừa qua, nhiều DN nêu thắc mắc tại sao DN kinh doanh phân phối sản phẩm vàng bạc đá quý phải chịu trách nhiệm về chất lượng của vàng, trong khi họ không phải là người trực tiếp sản xuất. Các chủ tiệm vàng bức xúc việc họ lấy vàng từ “chành” (nơi bỏ mối sỉ mặt hàng vàng nữ trang), cơ sở được cấp phép và có hợp đồng rõ ràng, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện chất lượng vàng không đúng tiêu chuẩn công bố lại xử phạt tiệm vàng. Theo họ, quy định này mới chỉ kiểm soát được phần ngọn, bởi tiệm vàng chỉ là nơi kinh doanh, trong khi chất lượng lại do các “chành”, cơ sở sản xuất quyết định.

Về việc này, Chánh Thanh tra Sở KH-CN TPHCM Phan Văn Đồng cho biết, theo quy định hiện nay, người bán hàng phải chịu trách nhiệm đầu tiên về hàng hóa họ kinh doanh, phân phối. Do đó, khi đoàn kiểm tra phát hiện sản phẩm vàng vi phạm về chất lượng, DN bán hàng sẽ bị xử phạt. Nếu DN bán vàng có hóa đơn, công bố tiêu chuẩn, hợp đồng đầy đủ của nhà sản xuất thì đây là cơ sở để DN yêu cầu nhà sản xuất bồi thường. Nếu hai bên không thỏa thuận được, DN bán hàng có quyền kiện nhà sản xuất ra tòa án.

Con tem nho nhỏ…

Thêm một vấn đề mà hiện các DN kinh doanh vàng đang lúng túng, đó là việc xử lý số nữ trang tồn kho từ trước khi Thông tư 22/2013 có hiệu lực. Hiện nay nhiều DN có một số lượng lớn vàng nữ trang tồn kho từ hàng chục năm trước, chất lượng không đúng như công bố. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các sản phẩm vàng tồn kho đều sẽ phải chế tác lại trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Quy định này, theo các DN sẽ làm phát sinh chi phí rất lớn cho việc chế tác, chưa kể tới phần nguyên liệu bị hao hụt trong quá trình gia công sản phẩm. Từ đó, các DN đề nghị cơ quan quản lý cho phép DN đóng nhãn mác đúng tuổi vàng và bán ra với giá hợp lý.

Tuy nhiên, trả lời về việc này, ông Phan Văn Đồng khẳng định, chỉ khi DN đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mới có thể gia công, chế tác lại sản phẩm vàng trang sức này. Sau đó đóng lại mã ký hiệu và ghi nhãn hàng hóa. “Nếu chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, DN không được tự ý thêm, thay đổi mã ký hiệu hoặc hàm lượng vàng đã thông tin trên sản phẩm”, ông Đồng nhấn mạnh.

Ngoài ra, các DN cũng cho rằng, quy định hiện hành về tem nhãn sản phẩm thể hiện quá nhiều nội dung như tên hàng hóa, nhà sản xuất, hàm lượng vàng, khối lượng vàng, ký hiệu của sản phẩm… Với diện tích chỉ 2 x 1cm của tem nhãn vàng trang sức thì khó mà ghi được tất cả các thông tin như trên lên đó. “Hơn nữa, với quy định ghi thông tin về nhà sản xuất, cơ sở gia công lên tem nhãn sản phẩm thì các tiệm vàng sẽ “hết đất sống”, vì khi đó, khách hàng tìm tới mua hàng trực tiếp tại cơ sở gia công cho rẻ”, chủ tiệm vàng Kim Hồng Ân ở quận 1, bày tỏ.

Sở KH-CN cho biết, hiện sở này đang tiến hành đợt thanh, kiểm tra các DN kinh doanh vàng trên địa bàn TP. Kết quả ban đầu cho thấy, có đến 51/67 cơ sở kinh doanh vàng vi phạm về nhãn hàng hóa do chưa nắm đầy đủ quy định. Theo ông Phan Văn Đồng, Thông tư 22/2013 của Bộ KH-CN và Nghị định 89/2006 của Chính phủ, quy định rất rõ về nhãn mác hàng hóa, nhưng DN kinh doanh vàng chưa quan tâm đầy đủ. Hội SJA cũng thừa nhận, DN mua bán vàng trên địa bàn TPHCM đa phần là DN nhỏ và siêu nhỏ nên họ ít quan tâm các vấn đề về pháp lý cũng như quy định liên quan đến ngành vàng. “Thời gian tới, SJA sẽ tiếp tục thông tin về pháp lý, chứng từ hóa đơn để DN áp dụng theo đúng quy định”.

Liên quan đến việc quản lý chất lượng vàng, mới đây, Bộ KH-CN cũng vừa có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 24/2012 nhằm quản lý tốt hơn chất lượng vàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. Theo Bộ KH-CN, cách quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ như hiện nay tập trung quản lý phần ngọn (lưu thông) mà không quản lý từ gốc (sản xuất, nhập khẩu).

Trong khi đó, nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm phải quản lý từ gốc. Theo Bộ KH-CN, trong đợt kiểm tra của các sở KH-CN thuộc 51/63 tỉnh – thành trên toàn quốc, có tới 25% cơ sở kinh doanh vàng (423/1.720 cơ sở đã kiểm tra) vi phạm về quy định đo lường, sử dụng cân vàng không kiểm định, không đạt yêu cầu về đo lường; cân không phù hợp về phạm vi đo và cấp độ chính xác; hàm lượng vàng không đạt theo tiêu chuẩn công bố. 8 tháng năm 2016, cũng đã thanh tra hơn 580 cơ sở kinh doanh vàng, phát hiện 183 cơ sở vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng và nhãn mác vàng theo quy định với số tiền xử phạt gần 1,6 tỷ đồng.

Bộ KH-CN cho biết, hiện rất khó kiểm soát chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ nhập khẩu do các DN và cá nhân được nhập khẩu chỉ cần nộp thuế theo quy định của pháp luật là đủ. Bộ KH-CN cũng cho rằng, không quản lý được chất lượng vàng trang sức sản xuất trong nước. Từ đó kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, trong đó quy định quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu.

Theo SGGP

Tin Mới

Các Tin Khác

Giá đô la chợ đen

Mua vào Bán ra

USD chợ đen

25,380 -35 25,460 -35

Giá đô hôm nay

Giá vàng hôm nay

Mua vào Bán ra
Vàng SJC 79,000 81,000
Vàng 9999 69,200700 70,450700

Tỷ giá hôm nay

Ngoại Tệ Mua vào Bán Ra

  USD

24,60020 24,97020

  AUD

15,72868 16,39871

  CAD

17,83996 18,598100

  JPY

1590 1680

  EUR

26,0202 27,4482

  CHF

26,805128 27,945134

  GBP

30,49099 31,788104

  CNY

3,3625 3,5065